Vụ việc tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về có vi phạm pháp luật không?
Vụ việc tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về có vi phạm pháp luật không? là thắc mắc của rất nhiều bạn sau vụ việc tiêu hủy 15 chú chó tại Cà Mau vừa qua.
Khi dịch bệnh Covid-19 tại các vùng dịch lớn đang dần được kiểm soát, các địa phương bắt đầu mở cửa trở lại để người dân từ các nơi trở về quê thì việc phòng chống lây lan dịch bệnh là vấn đề được đặt lên hàng đầu tại các địa phương.
Đối với nhiều người, họ xem thú nuôi như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, trong hành trang trở về quê hương, nhiều gia đình đã lựa chọn đem theo cả thú cưng của mình trở về.
Sự việc tiêu hủy 15 con chó về từ vùng dịch tại Cà Mau
Mới đây, cộng đồng mạng đang dậy sóng trước tin tức một gia đình mang theo một đàn chó di chuyển từ Long An về Cà Mau tránh dịch.
Nhưng khi về tới nơi, sau khi kiểm tra sàng lọc đã phát hiện có thành viên bị dương tính với Covid-19, 15 chú chó đã bị đem đi tiêu hủy vì lý do chó là vật trung gian gây lây nhiễm dịch bệnh Covid – 19.
Hiện vụ việc này vẫn đang nhận được sự phản ứng gay gắt của nhiều người. Vậy việc tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về có vi phạm quy định của pháp luật không?
Cơ sở pháp lý
- Luật thú y 2015
- Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007
Thế nào là động vật từ vùng dịch về?
“Vùng có dịch” theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật thú y 2015 là vùng có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định hoặc vùng có ổ dịch bệnh động vật.
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 cũng định nghĩa vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch.
Căn cứ theo các quy định trên, động vật từ vùng có dịch về có thể hiểu theo 2 cách sau:
- Động vật là thú cưng, thú nuôi di chuyển từ khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm ở người, như: chó mèo từ vùng đang có dịch bệnh Covid,…
- Động vật di chuyển từ khu vực có dịch bệnh động vật, như: gà trong ổ dịch cúm H5N1, lợn trong vùng đang có dịch tả lợn Châu Phi,…
Động vật từ vùng dịch có khả năng lây truyền dịch bệnh không?
Hiện nay, khoa học vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chó, mèo hoặc các con thú nuôi khác là vật chủ trung gian lây truyền virus Covid-19 sang cho con người.
Tuy nhiên, trường hợp người chủ đã bị nhiễm Covid-19, trong quá trình chăm sóc thú cưng có thể hắt hơi, ho, tiếp xúc gần với thú nuôi thì virus có thể sẽ bám vào trên bề mặt da, lông của thú nuôi đó.
Khi người không nhiễm bệnh tiếp xúc gần với thú nuôi này hoặc cầm nắm vào các đồ vật dính lông chó, mèo có mang virus thì vẫn có khả năng bị nhiễm virus.
Hay nói cách khác, thú nuôi sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm Covid sẽ có thể trở thành vật mang virus di động.
Việc tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về có vi phạm pháp luật không?
Điều 50 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 có quy định một trong các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế là “tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh”, trong đó, động vật bị xem là trung gian truyền bệnh nếu nó mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và có khả năng truyền bệnh.
Đồng thời cũng quy định, đội chống dịch cơ động thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo quy trình chuyên môn ngay sau khi được Ban chỉ đạo chống dịch yêu cầu.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Như vậy, việc tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc xử lý thú nuôi của bệnh nhân dương tính với Covid-19 cũng như quy trình tiêu hủy động vật là trung gian truyền bệnh, do đó, việc lực lượng chức năng Cà Mau tự ý tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về là không đúng theo quy định của pháp luật.
Hệ quả của việc tiêu hủy động vật trái quy định của pháp luật
Ngoài ra, vật nuôi, thú cưng cũng là một loại tài sản. Nếu cá nhân, cơ quan thu giữ, tiêu hủy trái quy định của pháp luật thì có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người chủ có thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Sau đây là một vài ý kiến đành giá của chúng tôi đối với Vụ việc tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về có vi phạm pháp luật không? Nếu bạn cần tư vấn luật sư về các vấn đề pháp lý xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi.