Thủ tục giải quyết tranh chấp đai năm 2021
“Tấc đất, tấc vàng” – một câu tục ngữ khá là quen thuộc khẳng định giá trị của đất đai quý như vàng. Và khi xã hội ngày càng phát triển thì giá trị của đất đai cũng ngày một cao hơn, cũng như tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra ngày càng nhiều. Vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai năm 2021 được quy định như thế nào?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Luật sư Nha Trang Nhé.
Hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã
Luật đất đai 2013 quy định, khi phát sinh tranh chấp đất đai, nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải tại cơ sở. Trường hợp các bên không thể hòa giải được thì một trong các bên tranh chấp đất đai gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải
Thời hạn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp xã là không quá 45 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn yêu cầu.
Sau khi UBND cấp xã đã tiến hành hòa giải, nếu hòa giải thành thì kết thúc tranh chấp đất đai; nếu các bên hòa giải không thành, lúc này sẽ có 02 trường hợp sau:
- Tranh chấp đất đai mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì khởi kiện ra Tòa án nhân dân.
- Tranh chấp đất đai không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự được chọn 1 trong các cách giải quyết sau:
- Cách 1: Yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền
- Cách 2. Khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân.
Giải quyết tranh chấp đất đai có sổ đỏ
Nộp hồ sơ khởi kiện: Đương sự nộp trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua đường bưu điện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang bị tranh chấp. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013.
- Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã
- Giấy tờ của người khởi kiện: chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, Sổ hộ khẩu
- Các loại giấy tờ khác có liên quan tới vụ án
Tòa án thụ lý vụ án và xét xử
- Nếu hồ sơ khởi kiện chưa đầy đủ nhưng đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án sẽ gửi thông báo yêu cầu đương sự bổ sung hồ sơ.
- Nếu hồ sơ khởi kiện đầy đủ thì Tòa án sẽ gửi thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện. Trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo, người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí theo giấy báo tạm ứng án phí và nộp lại biên lai cho Tòa để Tòa thụ lý vụ án và xét xử
Sau khi Tòa án xét xử và có bản án sơ thẩm, nếu đương sự có căn cứ để không đồng ý với bản án sơ thẩm thì có quyền kháng cáo.
Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ:
Cách 1: Yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền
- Thẩm quyền giải quyết:
- Trường hợp tranh chấp đất đai xảy ra giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết.
- Trường hợp tranh chấp đất đai có một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì do Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.
- Hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND gồm:
- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai
- Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã
- Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính của mảnh đất đang tranh chấp
- Các tài liệu chứng cứ, chứng minh có liên quan đến vụ án
- Tiếp nhận hồ sơ: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong vòng 03 ngày làm việc, cơ quan phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.
- Giải quyết yêu cầu tranh chấp đất đai: Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết. Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ:
- Thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải cho các bên tranh chấp
- Tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để đề xuất giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết)
- Hoàn chỉnh hồ sơ giải quyết tranh chấp, trình Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
- Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận hòa giải thành hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện là không quá 45 ngày; tại UBND cấp tỉnh là không quá 60. Đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian giải quyết được tăng thêm 10 ngày.
- Nếu các bên tranh chấp không đồng ý với kết quả giải quyết thì có thể tiến hành khiếu nại Quyết định giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính
Cách 2: Khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân (thủ tục tương tự như mục 2 – Tranh chấp đất đai có sổ đỏ).
Câu hỏi 1: Năm 2018, gia đình tôi có tranh chấp đất đai với gia đình nhà bên cạnh. Hai gia đình đã nhiều lần hòa giải tại cơ sở nhưng hòa giải không thành, các lần hòa giải đều được lập thành biên bản. Năm 2019, tôi gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, Tòa án không thụ lý hồ sơ khởi kiện của tôi và yêu cầu tôi phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã trước khi khởi kiện. Vậy tôi muốn hỏi luật sư, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Tổ hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã khác nhau như thế nào? Tại sao Tòa án không chấp nhận biên bản hòa giải không thành của Tổ hòa giải?
Trả lời:
Căn cứ vào quy định tại Điều 202 và 203 Luật Đất đai 2013 thì khi phát sinh tranh chấp đất đai, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại cơ sở. Trường hợp các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất đang tranh chấp để giải quyết.
Nếu sau khi hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà các bên không hòa giải thành thì đương sự có quyền nộp đơn hồ sơ khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Do đó, theo quy định của pháp luật, việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc hòa giải tại cơ sở chỉ mang tính chất khuyến khích, các bên có thể thực hiện hoặc không thực hiện hòa giải tại cơ sở. Trong khi đó, hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp và cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc thực hiện, tiến hành đúng thủ tục, trình tự, thời hạn theo quy định của pháp luật.
Cho nên, việc Tòa án từ chối thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai của bạn là có căn cứ. Gia đình bạn nên nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới UBND cấp xã nơi có đất bị tranh chấp. Sau khi hòa giải tại UBND cấp xã không thành thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Câu hỏi 2: Tôi và bà A có tranh chấp quyền sử dụng một mảnh đất. Chúng tôi đã tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường và hòa giải thành, tôi và bà A đều đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề tranh chấp. Ủy ban nhân dân đã lập biên bản hòa giải thành và chấm dứt tranh chấp. Tuy nhiên sau vài ngày suy nghĩ, tôi muốn thay đổi ý kiến về một số thỏa thuận. Vậy cho tôi hỏi, tôi có thể yêu cầu thay đổi nội dung trong biên bản hỏa giải thành mà UBND phường đã lập không? Xin cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ vào quy định tại Khoản 57, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
Như vậy, trong vòng 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà bạn muốn thay đổi ý kiến về vấn đề nào thì bạn phải làm văn bản trình bày về nội dung muốn thay đổi và gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.