Trong thời đại công nghệ số 4.0, mọi vấn đề đều đang dần được số hóa nhằm tiết kiệm hơn thời gian và công sức khi thực hiện các thủ tục và nhiều vấn đề khác. Và các doanh nghiệp đang muốn kết hợp hợp các loại hình ký kết hợp đồng truyền thống và ký kết bằng hình thức hợp đồng thương mại điện tử.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến hợp đồng thương mại điện tử vẫn chưa được hiểu rõ, nhất là vấn đề liên quan đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng làm cho các doanh nghiệp cũng như các đối tác của doanh nghiệp vẫn còn phân vân trong việc có nên sử dụng loại hợp đồng này hay không? Do đó, bài viết dưới đây của công ty Luật Nam Sơn chúng tôi sẽ giải đáp phần nào của thắc mắc của các bạn.
Khái niệm, đặc điểm của hợp đồng thương mại điện tử (TMĐT)
Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với tổ chức, cá nhân liên quan đến thương mại nhằm mục đích để làm căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại (trong các hoạt động như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư vào một công trình, dự án nào đó, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.)
Bên cạnh đó căn cứ theo Điều 33 Luật giao dịch điện tử 2005: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”
Từ hai khái niệm trên có thể suy ra hợp đồng TMĐT được hiểu là một loại hợp đồng thương mại được thiết lập dưới dạng thông điệp điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Từ trên cơ sở phân tích trên, ta có thể rút ra được các đặc điểm sau:
Chủ thể thực hiện
Có sự tham gia từ hai bên trở lên trong đó có ít nhất một bên là thương nhân, các bên còn lại có thể là thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan đến thương mại chấp nhận giao kết. Việc giao kết hợp đồng thông qua các kênh điện tử như sàn giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng hình thành qua thư điện tử và hợp đồng sử dụng chữ ký số hoặc qua website.
Đối tượng hợp đồng
Chủ yếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa, dịch vụ, nhưng ngoài ra đối tượng hợp đồng còn là một hoạt động mang tính tổ chức để thành lập doanh nghiệp hoặc thực hiện hoạt động thương mại khác.
Hình thức hợp đồng
Phải được lập dưới dạng văn bản, được thể hiện bằng câu từ, hình ảnh, âm thanh, video kèm theo. Đảm bảo việc truy cập và sử dụng để tham chiếu, xem xét lại khi cần thiết hoặc phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp khi xảy ra.
Hiệu lực pháp lý
+ Điều kiện hợp đồng có hiệu lực: Các bên tham gia ký kết hợp đồng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp, các bên tham gia hoàn tooàn tự nguyện, nội dung và mục đích của hợp đồng không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội và được lập theo hình thức mà luật định.
+ Giá trị pháp lý: Căn cứ theo Điều 34 Luật giao dịch điện tử 2005: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.” và Điều 15 Luật thương mại 2005: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.” Thì hợp đồng thương mại điện tử có hiệu lực pháp lý tương đương với hợp đồng thương mại được ký kết trực tiếp.
Vai trò của hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng TMĐT có vai trò tương tự với các loại hợp đồng thương mại khác là căn cứ xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Ngoài ra nó còn là một chứng cứ trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên khi có tranh chấp xảy ra.
Những quy định về hợp đồng thương mại điện tử
⭕ Nội dung của hợp đồng:
⭕ Đối tượng của hợp đồng;
⭕ Số lượng, chất lượng và giá thành sản phẩm, tổng giá trị (tính cả phí VAT và các loại phí khác);
⭕ Thời hạn và phương thức thanh toán;
⭕ Thời hạn, địa điểm, phương thức giao và nhận hàng;
⭕ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
⭕ Phương thức giải quyết tranh chấp và trách nhiệm vi phạm hợp đồng.
Các bước cần thực hiện khi giao kết hợp đồng thương mại điện tử
Bước 1: Tạo lập hoặc đăng tải các hợp đồng lên các kênh điện tử bằng cách đăng nhập vào hệ thống để tạo lập hoặc tải hợp đồng điện tử. Hợp đồng phải có đầy đủ các điều khoản như một hợp đồng bình thường.
Bước 2: Thiết kế luồng để xem xét và ký kết hợp đồng. Bên đề nghị thiết kế luồng ký,vị trí ký, vai trò của chủ thể ký trong quan hệ hợp đồng và các yêu cầu khi ký kết. Sau đó bên đề nghị sẽ ký vào phần (vị trí) ký tên của mình, tiếp đó hệ thống sẽ tự động tạo luồng ký và gửi đến các bên còn lại trong hợp đồng.
Bước 3: Sau khi hoàn tất việc tạo lập hợp đồng và tạo luồng ký, vị trí ký,.. hệ thống sẽ gửi thông báo thông qua email đến bên nhận đế xuất. Bên đề xuất sẽ truy cập vào hợp đồng nhận được để xem xét các điều khoản có trong hợp đồng;
Bước 4: Sau khi đã đọc, nghiên cứu ký các điều khoản có trong hợp đồng và đồng ý với các điều khoản đó thì có thể thực hiện việc ký kết trực tiếp trên thiết bị điện tử của mình (trên máy tính, laptop, máy tính bảng hoặc điện thoại)
Bước 5: Sau khi bên nhận đề xuất ký vào hợp đồng, hệ thống sẽ gửi thông báo đến các bên về việc hợp đồng được thiết lập thành công. Hợp đồng đã được thiết lập thành công sẽ được hệ thống lưu trữ và mã hóa. Khi các bên nhận được thông báo chính là lúc hợp đồng chính thức có hiệu lực.
Chấm dứt hợp đồng thương mại điện tử và chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng dịch vụ thương mại điện tử, các dịch vụ trực tuyến khác
Hợp đồng TMDT được ký kết giữa các bên có thể chấm dứt trong các trường hợp: hoàn thành tất cả các công việc phải thực hiện quy định trong hợp đồng, một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì các website cung cấp hợp đồng thương mại điện tử hoặc các dịch vụ trực tuyến khác phải cung cấp công cụ trực tuyến để khách hàng có thể gửi thông báo chấm dứt hợp đồng khi không còn nhu cầu, cho phép lưu trữ và nhận được phản hồi sau khi gửi thông báo chấm dứt hợp đồng.
Ưu điểm của việc ký kết hợp đồng thương mại điện tử
✔️ Việc ký kết được thực hiện một cách linh hoạt, tiện lợi. Các bên có thể ký kết trực tiếp trên các thiết bị điện tử có kết nối internet của bản thân mà không cần phải sắp xếp thời gian, địa điểm để gặp mặt trực tiếp. Đặc biệt, loại hình ký kết hợp đồng TMĐT rất có ích trong khỏng thời gian dịch bệnh Covid – 19 vừa rồi, vì có thể ký kết nhưng không phải gặp mặt.
✔️ Tiết kiệm được thời gian di chuyển của các bên, thời gian và giấy để in lại khi sửa chữa các điều khoản của hợp đồng góp phần bảo vệ môi trường.
✔️ Tối ưu hóa các chi phí như chi phí đi lại, gửi hoặc chuyển phát hợp đồng, in ấn tài liệu và chi phí, không gian lưu trữ hợp đồng,…
Giải quyết tranh chấp
Phương thức giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng thương mại điện tử cũng tương tự như đối với các loại hợp đồng thương mại khác. Được giải quyết thông qua các phương pháp: thương lượng, hòa giải, giải quyết thông qua Trọng tài thương mại hoặc Tòa án.
Trên đây là các vấn đề liên quan đến hợp đồng thương mại điện tử mà công ty Luật Nam Sơn chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Mọi ý kiến, thắc mắc cần được giải đáp xin liên hệ với chúng tôi thông qua:
– Email: lstranhieu@gmail.com
– Số điện thoại: 0889.181.585