Các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật gồm những ai? Sau đây, Luật Nam Sơn sẽ tư vấn cụ thể hơn về quy định này. Khi phân chia thừa kế theo pháp luật thì việc xác định hàng thừa kế là một nội dung rất quan trọng. Việc xác định chính xác hàng thừa kế giúp cho việc phân chia thừa kế được thực hiện đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của tất cả người thừa kế.
1. Các Hàng thừa kế là gì?
Hàng thừa kế là diện những cá nhân có mối quan hệ gần gũi với người để lại di sản và cùng được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
Ngoài khái niệm về hàng thừa kế, chúng ta cũng cần hiểu thêm về khái niệm người thừa kế được pháp luật quy định như thế nào? Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc đã được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
2. Các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật
Căn cứ vào Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì có 3 hàng thừa kế sau:
2.1 Hàng thừa kế thứ nhất
Cha, mẹ – con cái
– Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và ngược lại
Cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ bất kể trong hay ngoài giá thủ đều được hưởng thừa kế của nhau và ngược lại.
– Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại
Sau khi nhận nuôi con nuôi, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ con theo quy định của pháp luật. Do đó, giữa cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi cũng được hưởng thừa kế của nhau.
Người đã làm con nuôi của người khác vẫn có quan hệ thừa kế với cha đẻ, mẹ đẻ, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột như người không làm con nuôi người khác.
– Quan hệ thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế
Nếu giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc và nuôi dưỡng nhau như cha con hoặc mẹ con thì vẫn được hưởng thừa kế di sản của nhau.
Vợ – chồng
Hàng thừa kế thứ nhất gồm những người thân thuộc nhất với người để lại di sản. Do đó, vợ chồng sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng thừa kế di sản của nhau nếu có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Ngoài ra, cần lưu ý một số trường hợp sau:
✅ Nếu trong thời kì hôn nhân mà vợ, chồng đã chia tài sản chung mà sau đó vợ hoặc chồng chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế di sản của người đã mất.
✅ Nếu vợ chồng yêu cầu ly hôn nhưng đang trong quá trình làm thủ tục ly hôn hoặc đã có bản án, quyết định ly hôn của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật mà vợ hoặc chồng chết thì người còn sống vẫn được hưởng di sản thừa kế.
✅ Trường hợp vợ chồng vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân mà vợ hoặc chồng mất thì người vợ hoặc chồng còn sống cho dù sau này có kết hôn với người khác thì vẫn được hưởng thừa kế của người đã mất đó.
2.2 Hàng thừa kế thứ hai
Ông nội, bà nội – cháu nội hoặc Ông ngoại, bà ngoại – cháu ngoại
Hàng thừa kế thứ hai là những người có quan hệ máu mủ, ruột thịt. Nếu cháu ruột mất thì ông bà nội, ông bà ngoại ở hàng thừa kế thứ hai của cháu. Nếu ông hoặc bà (nội, ngoài) mất thì cháu ruột sẽ thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông hoặc bà.
Ở hàng thừa kế này, pháp luật quy định rõ ràng về mối quan hệ ruột thịt. Vì vậy, con nuôi của một người sẽ không thuộc hàng thừa kế thứ hai của cha mẹ đẻ của người nhận con nuôi và ngược lại.
Anh ruột – chị ruột – em ruột
Anh ruột, chị ruột, em ruột có mối quan hệ máu mủ nên là hàng thừa kế thứ hai của nhau. Anh ruột, chị ruột, em ruột có thể cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, không phân biệt trong giá thú hay ngoài giá thú.
Như đã nói ở trên, hàng thừa kế thứ hai đề cao quan hệ ruột thịt, nên anh chị em nếu không có quan hệ máu mủ thì không phải là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai của nhau, như con riêng của vợ, con riêng của chồng, con nuôi.
Người đã làm con nuôi của người khác vẫn là người thừa kế thuộc hàng thứ hai của anh, chị, em ruột mình.
2.3 Hàng thừa kế thứ ba
Cụ nội – chắt nội hoặc Cụ ngoại – chắt ngoại
Cụ nội là cha mẹ của ông hoặc bà nội của người đã mất, cụ ngoại là cha mẹ của ông hoặc bà ngoại của người đã mất.
Trong trường hợp cụ nội, cụ ngoại mất không có người thừa kế là con, cháu hoặc có người thừa kế nhưng họ đều từ chối hoặc bị truất quyền hưởng thừa kế thì chắt sẽ được hưởng di sản của cụ.
Cô ruột, dì ruột chú ruột, bác ruột, cậu ruột – cháu ruột
Cô ruột, dì ruột chú ruột, bác ruột, cậu ruột là anh, chị, em ruột của bố hoặc mẹ của người đã mất. Nếu cháu ruột qua đời thì cô ruột, dì ruột chú ruột, bác ruột, cậu ruột thuộc hàng thừa kế thứ ba của cháu.
Trên đây là 3 hàng thừa kế theo quy định của pháp luật. Khi chia thừa kế theo pháp luật, di sản sẽ được chia đều cho tất cả những người thừa kế trong cùng một hàng thừa kế.
Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được chia di sản khi hàng thừa kế trước không có ai được hưởng di sản (do đã chết, từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản).
3. Luật Nam Sơn – Công ty Luật uy tín về Tư vấn Thừa kế
Nếu Quý khách hàng có tranh chấp về thủ tục thừa kế, vui lòng liên hệ ngay cho Luật Nam Sơn – Luật sư Giỏi về Tư vấn Thừa Kế để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể hơn.
Hotline: 0905.051.585
Zalo: https://zalo.me/2938289902507606258