Năm 2021 cùng với sự việc bà Nguyễn Phương Hằng tố hàng loạt nghệ sỹ Việt “ăn chặn” tiền từ thiện cứu trợ lũ lụt miền Trung chưa có hồi kết và giấy lên nhiều tranh luận về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động từ thiện. Cùng Luật sư Trần Hiểu tìm hiểu về vấn đề: Cá nhân vận động quyên góp từ thiện có vi phạm pháp luật không?
Có nhiều ý kiến cho rằng việc các cá nhân vận động quyên góp từ thiện là trái quy định pháp luật.
Bởi theo quy định tại Điều 5, Nghị định 64/NĐ-CP năm 2008 của chính phủ nêu rõ, các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ chỉ gồm các tổ chức như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép
Cũng tại Điều 5 của Nghị định này nhấn mạnh: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.
Chính quy định này mà có rất nhiều người cho rằng: các cá nhân không được tự mình phát động từ thiện từ người dân.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng quan hệ pháp luật của việc cá nhân đứng ra làm từ thiện là giao dịch dân sự có nội dung ủy quyền tặng cho tài sản. Vì vậy, quan hệ này sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015 cụ thể các Điều 562 đến Điều 569 BLDS.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự quy định: Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Như vậy, việc cá nhân đứng ra tổ chức các hoạt động từ thiện là việc họ nhận ủy quyền của người khác để thực hiện công việc cụ thể là tặng cho tài sản đến những người đang gặp hoạn nạn, cần giúp đỡ. Nội dung ủy quyền này không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội vì vậy có hiệu lực pháp lý.
Như vậy, việc các cá nhân phát động hoạt động từ thiện là không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu các cá nhân quyên góp từ thiện mà có các hành vi như:
- Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.
- Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
Thì tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, nếu có hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện thì có thể bị điều tra để xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Điều 175 Bộ luật hình sự.
Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và mức án tù chung thân đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay, các hoạt động từ thiện diễn ra ngày càng nhiều nhưng thiếu tính công khai, minh bạch ở các hình thức cá nhân tự đứng ra phát động và quyên góp. Chính điều này sẽ là lỗ hỗng để những đối tượng nguy hiểm đội lốt từ thiện thực hiện các hành vi lửa đảo chiếm đoạt tài sản, gây nguy hại cho xã hội.
Các quy định tại Nghị định 64/NĐ-CP năm 2008 đã quá cũ, không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, Chính Phủ cần ban hành các quy định mới phù hợp và kịp thời để khuyến khích các hoạt động từ thiện chân chính và đẩy lùi những hoạt động gây quỹ từ thiện không minh bạch.